KINH NGHIỆM DU LỊCH AN TOÀN MÙA LỄ HỘI CHỐN ĐÔNG NGƯỜI

Đi du lịch mùa lễ hội không thể tránh khỏi sự bon chen ở những khu vực đông người và những sự cố bất chợt có thể xảy đến. Muốn có một chuyến du lịch trọn vẹn thì tất nhiên không thể bỏ lỡ giây phút hoà cùng dòng người này. Để chuyến đi của bạn không gặp phải những rủi ro không đáng có thì hãy bỏ túi ngay những kinh nghiệm du lịch an toàn mùa lễ hội ngay sau đây

Chen lấn, xô đẩy dẫn đến giẫm đạp – du lịch an toàn mùa lễ hội

Thảm kịch giẫm đạp đầy ám ảnh cướp đi sinh mạng của hơn 150 người tại phố Itaewon, Seoul (Hàn Quốc) đã trở thành một trong những sự cố đám đông tồi tệ nhất giữa thời hiện đại. Nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại về người đó là việc ngạt thở. Vậy bí kíp sinh tồn ở đây là gì?

Việc đầu tiên cần làm chính là nhận biết những dấu hiệu và đánh giá mức độ diễn biến phức tạp của đám đông. Một đám đông đang di chuyển đều bỗng dưng ngừng lại, đó là dấu hiệu cho thấy mật độ đang tăng lên. Lúc này việc lắng nghe đám đông là rất quan trọng. Nếu bạn nghe thấy những lời phàn nàn khó chịu và những tiếng kêu vang đau đớn, tức mọi thứ đã bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát. Đây là thời điểm quyết định để tìm lối thoát. Một số người thoát thân sớm tại sự kiện ở Seoul cho biết, họ cảm giác như tình hình đang trở nên không an toàn và kịp thời bỏ đi.

 

Sự hiểu biết, bình tĩnh xử lý tình huống là chìa khóa sinh tồn khi kẹt giữa đám đông.

Nạn trà trộn móc túi, trộm cắp

Không phải nơi đâu cũng được trang bị an ninh tốt, thậm chí trong trường hợp đã được bố trí nghiêm ngặt, nguy cơ bị móc túi, cướp giật vẫn có thể xảy ra khi bạn thiếu đề phòng. Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần làm khi đến một địa điểm lạ là tìm hiểu trước vị trí, tập tính và những review kinh nghiệm du lịch (nếu có) về khu vực đó để đỡ bỡ ngỡ và không trở thành những “con mồi ngon” hay “tấm chiếu mới – chưa từng trải” trong mắt kẻ gian.

 

Tinh gọn đồ dùng cá nhân mang theo bên người; tối kỵ việc cả tin, nhờ người lạ trông giúp hành lý; dùng túi chắc chắn và không để đồ phía sau khuất tầm mắt; luôn chú ý quan sát những va chạm thân thể,… sẽ là bí kíp hữu ích giúp bạn tránh được nạn mất cắp giữa đám đông. Ngoài ra, cần hạn chế việc mở ba lô, túi xách thường xuyên vì chúng vừa khiến bạn khó kiểm soát tình hình khi phân tâm tìm kiếm đồ đạc lộn xộn trong túi, vừa là cơ hội để kẻ gian được dịp quan sát, “định vị” con mồi.

Dây túi xách được rút ngắn vừa gọn tầm tay cũng sẽ giúp bạn tránh được việc bị giật đồ. Và nhớ tắt chế độ “não cá vàng” khi đi ăn để không bỏ quên đồ đạc cá nhân ở chỗ ngồi khi rời đi bạn nhé!

Lạc đường hay lạc đoàn đi chung – du lịch an toàn mùa lễ hội

Khi du lịch ở một địa điểm mới, đặc biệt là nước ngoài, việc không thông thạo đường xá là khó tránh khỏi. Vậy nên một tấm bản đồ, chiếc điện thoại đầy pin có hỗ trợ GPS, 3G,… là những vật dụng “cứu tinh” luôn cần mang bên mình. Đừng quên cẩn thận ghi chú lại số điện thoại, địa chỉ hoặc namecard của khách sạn làm thông tin tra cứu, cũng như chú ý các cột mốc gần nơi lưu trú như nhà thờ, quảng trường, nhà ga,… để tiện tìm chỉ dẫn khi lạc đường.

kid crying to lost parent on sky train station.

Trong trường hợp lạc đường, điều quan trọng là bạn cần giữ thái độ bình tĩnh, tránh cuống quýt, lo sợ vì vẻ ngoài rụt rè sẽ khiến kẻ gian sớm “bắt sóng” để quấy rầy. Tình huống này, bạn có thể hỏi đường người bản địa hoặc tháp tùng vào những đoàn du khách để nhờ hướng dẫn viên chỉ dẫn. Vì đây là nhóm biết rõ địa hình khu vực, hoặc có kỹ năng về diễn đạt ngoại ngữ giúp bạn gỡ rối vấn đề. Nếu không tìm kiếm được sự trợ giúp từ mọi người xung quanh, bạn có thể nhanh chân vào một cửa hàng ven đường, mua một món đồ nhỏ và hỏi nhờ đường.

Đừng quên liên lạc khẩn cấp với bạn đồng hành để xác định vị trí đối phương. Ở cự ly gần, các bên có thể đưa tín hiệu bằng hành động để định vị nhau như: giơ tay cao, giơ vật dụng nổi bật dễ thấy,… cũng như mô tả vị trí đang đứng bằng những đặc điểm dễ nhận biết.

Người lạ chèo kéo, mời mọc khiếm nhã

Ngoài mục đích tích cực đơn thuần như giới thiệu sản phẩm, tương tác giữa cửa hàng với người qua đường, những địa điểm tụ tập đông người còn là nơi hành nghề lý tưởng của những kẻ chuyên chèo kéo du khách với nhiều mục đích khác nhau. Đó có thể là dân môi giới vé chợ đen trước những buổi biểu diễn lớn, mời mọc thô tục ở hội chợ đông người, hay những lời nài nỉ dai dẳng để bán cho-bằng-được một món hàng/ dịch vụ nào đó (chắc chắn là với giá “cắt cổ”),…

Ngay cả khi bạn thật sự có nhã hứng với những lời chào mời, hãy thận trọng quan sát người bán có dấu hiệu khả nghi nào không, ví dụ: đi cùng đồng bọn, không mang theo món hàng trên tay mà chỉ mời miệng,… Tuyệt đối không nên nghe theo lời dẫn dụ vào những ngõ vắng, ngoằn ngoèo vì bạn có thể sẽ bị cô lập trước một nhóm lừa bịp.

Khi gặp phải tình huống bị mời mọc gượng ép, điều bạn cần làm lúc này là giữ kỹ 2 thứ: sự bình tĩnh và khoảng cách an toàn. Lịch sự từ chối và nhanh chóng rời khỏi vị trí bị chèo kéo luôn là cách đầu tiên tránh rắc rối. Ngoài ra, bạn nên hạn chế trò chuyện lâu hơn để tránh việc dàn cảnh gây hiểu lầm. Tối kỵ những tiếp xúc, va chạm cơ thể, tay chân với người lạ nhằm đảm bảo an toàn khỏi bạo lực hoặc chất kích thích tạo ảo giác nếu có.

Còn kinh nghiệm đi du lịch mùa lễ hội cuối năm nào mà bạn biết thì chia sẻ để chúng mình cùng lưu lại với nhé!